
Cách sử dụng người của Ralf Rangnick đang có phần giống phong thái của Sir Alex Ferguson ngày trước tại Old Trafford.
Ralf Rangnick đã không thể tiếp đà chiến thắng cùng MU sau trận hòa 1-1 trước Young Boys. Tuy nhiên, các cổ động viên “Quỷ đỏ” không hề trách móc ông thầy người Đức. Không những vậy, họ còn cảm thấy rất thú vị với những gì Rangnick đã đem tới.

Rangnick chọn đội hình cực dị khi đấu với Young Boys
Vị chiến lược gia 63 tuổi thay toàn bộ 11 cái tên trong đội hình xuất phát khi đối đầu với Young Boys. Thú vị hơn nữa là Rangnick chỉ dùng 1 trung vệ đúng nghĩa là Bailly và toàn bộ hàng công là những tài năng trẻ dưới 21 tuổi.
Không những vậy, ông thầy người Đức còn tung ra một loạt những tài năng trẻ khác như Savage, Zidane Iqbal và Tom Heaton, người đợi 16 năm để có lần đầu tiên thi đấu cho đội một của MU. Tính ra, độ tuổi trung bình của MU ở trận gặp Young Boys là 24 tuổi và nếu bỏ những cầu thủ trên 30 tuổi như Matic, Mata, con số này xuống còn 21,76 tuổi.
Một sự thay đổi cực kỳ lớn so với thời Solskjaer. HLV người Na Uy luôn nói về cơ hội cho các cầu thủ trẻ nhưng về sau, đến thay cầu thủ dự bị vào sân còn không dám chứ đừng nói tới chuyện sử dụng những tài năng trẻ. Rangnick thì khác, ông giữ lời hứa tạo cơ hội cho tất cả mọi người.

Sir Alex Ferguson cũng từng chọn những đội hình “dị” chẳng kém
Cách sử dụng người của Rangnick gợi lại những gì Sir Alex Ferguson từng làm tại Old Trafford. Vị chiến lược gia huyền thoại từng tung tới…7 hậu vệ vào sân trong trận đấu với Arsenal và vẫn giành chiến thắng. Ông cũng từng tung ra đội hình với cặp trung vệ là Carrick và Fletcher, những tiền vệ trung tâm hay thậm chí còn sử dụng cầu thủ đa năng John O’Shea làm tiền đạo.
Những cách sử dụng người “khác lạ” như vậy cho thấy phong thái không ngại gì cả của hai vị huấn luyện này. Cũng chính từ việc không gò bó tư duy lẫn suy nghĩ, Sir Alex Ferguson hay Ralf Rangnick hiện tại khiến đối phương khó có thể đoán được sẽ phải đối đầu với điều gì. Khán giả sẽ thích thú và mong chờ, nhưng đối thủ sẽ đau đầu để nghĩ cách đối phó.
Một điểm đáng chú ý nữa, cũng chính từ phong cách sử dụng người tự tin này mà chẳng ai còn đặt câu hỏi vì sao Ronaldo hay Bruno Fernandes không ra sân. Solskjaer đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi chiều lòng cầu thủ và giới truyền thông mà quên đi chính bản sắc của mình. Đó có lẽ là điều Sir Alex Ferguson tiếc nuối nhất cho cậu học trò còn với Ralf Rangnick, ông thầy người Đức đang bắt đầu đặt nền móng đầu tiên cho đế chế mới.
||||||||||||||||||||
Sir Alex: ” Cậu ấy là cầu thủ toàn năng nhất lịch sử Man United”

Theo quan điểm của Sir Alex, nếu chơi với sơ đồ 2 tiền đạo bạn luôn cần một mẫu cầu thủ toàn năng như Dimitar Berbatov ở trên hàng công.
Thực tế đội hình 4-2-2-2 mà Ralf Rangnick áp dụng cho Man Utd trong 2 trận đấu đã qua rất gần với cách vận hành mà Quỷ đỏ đã chơi trong giai đoạn 2007 đến 2010.
Theo đó, sau trận Chung kết Champions League năm 2008, dù có Carlos Tevez và Wayne Rooney ở trên hàng công nhưng Sir Alex vẫn muốn bổ sung thêm một tiền đạo chất lượng nữa. Trong quyển tự truyện của mình, Sir Alex chia sẻ: “Chứng kiến Dimitar thi đấu cho Tottenham, tôi nghĩ cậu ấy sẽ tạo nên khác biệt cho United bởi sự điềm tĩnh của cậu ấy là điều mà các tiền đạo của chúng tôi còn thiếu. Cậu ấy có khả năng của một Eric Cantona hay Teddy Sheringham: không nhanh đến mức thần tốc nhưng có thể ngẩng đầu lên và chuyền một đường bóng “chết người”. Cậu ấy sẽ nâng tầm đội bóng và mở rộng danh sách tài năng mà United sở hữu.”

Thậm chí, với sự xuất hiện của mình, Berbatov đã buộc Tevez phải rời khỏi sân Old Trafford một năm sau đó. Sir Alex hồi tưởng: “Nhưng dù sao thì Tevez vẫn là một tiền đạo có thể tạo ảnh hưởng. Lỗi cũng một phần ở tôi, vì quá hâm mộ và muốn thấy Berbatov thành công. Berbatov luôn muốn được đảm bảo vị thế của một cầu thủ cừ khôi.”
Thực tế, khi một đội bóng chơi với 2 tiền đạo, sẽ luôn cần một người đá lùi một chút về phía sau và đảm nhận trọng trách xây dựng lối chơi. Với Arsenal trong thời gian “Bất bại” là Dennis Bergkamp, còn Man Utd của Sir Alex vào thời điểm đang nói chính là Berbatov.
Tuy nhiên, Man Utd hiện tại không đáp ứng được mô hình đó. Với Rangnick, một khi ông đã có Cristiano Ronaldo, cầu thủ này luôn được phép đá gần cầu môn đối phương nhất để tìm kiếm bàn thắng. Trong trận đấu gặp Crystal Palace, Ronaldo đá cặp với Marcus Rashford, một người giàu tốc độ nhưng không đủ nhãn quan chiến thuật để hỗ trợ CR7.

Người duy nhất chơi được như cách mô tả của Sir Alex – “ngẩng đầu lên và chuyền một đường bóng “chết người”” là Bruno Fernandes lại được chiến lược gia người Đức cho phép đá dạt cánh. Thực tế, trong nhiều thời điểm của mùa giải này, Bruno đã được chơi như một số 10. Anh đã có 3 kiến tạo ở Premier League, nhiều thứ 2 đội bóng. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, Bruno chỉ mới bằng một nửa Berbatov bởi cầu thủ người Bồ Đào Nha chỉ có nhãn quan chiến thuật tốt, còn về khả năng di chuyển và đặc biệt là kĩ thuật cá nhân thì còn lâu mới sánh bằng “trò cưng” của Sir Alex.
Vì Rangnick đang cố gắng đá áp sát tầm cao nên rất cần nguồn năng lượng từ Bruno. Nhưng đổi lại, Quỷ đỏ sẽ thiếu đi mất sự sáng tạo cần có. Crystal Palace hay Young Boys đều không phải là những đối thủ mạnh song các học trò của Rangnick phải chật vật mới có được 2 bàn thắng. Đó là một thống kê đáng báo động và nếu Quỷ đỏ không bổ sung (hoặc đào tạo) một số 10 thực thụ ở trên hàng công, họ sẽ còn khổ sở hơn nữa với cách chơi này.