Zidane Iqbal – Sao trẻ Man United sắp làm nên lịch sử nước Anh là ai?

Zidane Iqbal của Man United là một trong những triển vọng trẻ thú vị nhất của câu lạc bộ này.

Sinh ra ở Manchester với cha là người Pakistan và mẹ là người Iraq, Zidane Iqbal gia nhập học viện của United khi mới 9 tuổi, và anh đã trải qua gần 1 thập kỷ để phát triển kỹ năng của mình dưới thời các huấn luyện viên trẻ của Quỷ Đỏ.

Bên cạnh việc học tại trường tiểu học St Margaret’s CofE, cha của Zidane là Aamar Iqbal đã đưa anh đến với đội bóng địa phương Sale United, nơi tình yêu của anh dành cho bóng đá được nuôi dưỡng, từ đó, khi mới 4 tuổi, anh đã bắt đầu thường xuyên đá bóng. Huấn luyện viên bóng đá đầu tiên của Iqbal, Stewart Hamer kể lại với Manchester Evening News: “Tôi trở thành Giám đốc phát triển của Sale United vào đầu những năm 2000. Tôi đã bắt đầu một chương trình cho lứa U5 và nó thực sự thành công với Zidane là một phần trong đó.”

 - Bóng Đá
 Iqbal chơi bóng từ rất sớm.

“Chúng tôi thường tổ chức các cuộc thi vào cuối năm và luôn luôn là Zidane sẽ làm rất tốt. Cậu ấy chắc chắn có khá nhiều tài năng, luôn chơi bóng với nụ cười tươi trên gương mặt.”

Iqbal là một trong những cầu thủ người Anh gốc Nam Á hiếm hoi có hy vọng ở Premier League. Hamza Choudhury của Leicester là cầu thủ người Anh gốc Nam Á đáng chú ý nhất ở giải đấu này, trong khi Arjan Raikhy của Aston Villa và Iqbal của Man United là những cầu thủ trẻ hiếm hoi tại các câu lạc bộ Premier League khác có gốc gác này, dù họ chiếm 7% dân số Anh.

Gareth Southgate từng nói: “Đôi khi tiếng nói của người châu Á đã bị mất đi trong các cuộc tranh luận chống phân biệt đối xử. Khi bạn nhìn vào tỷ lệ phần trăm dân số đó, đó là một con số cao. Đó là một nguồn tài năng lớn mà chúng ta đang thiếu trong bóng đá.”

Hiện tại, Iqbal được cho đang lựa chọn giữa đội tuyển quốc gia Iraq hay đội tuyển quốc gia Pakistan, dù vậy Stewart Hamer hy vọng Liên đoàn Anh sẽ chú ý đến tài năng trẻ này: “Tôi nghĩ rằng phía Anh nên chủ động hơn một chút trong việc cố gắng giữ cậu ấy, nếu không họ sẽ mất cậu ấy. Thật tuyệt khi được thấy một chàng trai gốc Á trong đội tuyển Anh.”

Charlie Savage and Zidane Iqbal sign first professional contract at Manchester United - Bóng Đá
 Iqdal vừa ký hợp đồng chuyên nghiệp với M.U.

Cựu hậu vệ trái của Aston Villa, Neil Taylor là người Anh gốc Á duy nhất từng chơi cho một quốc gia trong khối liên hiệp Anh, đã có hơn 43 lần ra sân cho Xứ Wales, và tất nhiên chưa có trường hợp tương tự ở tuyển Anh. Trong ngắn hạn, Iqbal đang trở thành người đi tiên phong trong hành trình này sau khi ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên tại United vào tháng Tư.

|||||||||||||||||||||

Góc khuất: Hành trình từ cầu thủ Man United đến công nhân xây dựng

Sự nghiệp của Charlie Scott, cầu thủ đồng trang lứa với Marcus Rashford, đã trượt dài kể từ khi bị Manchester United sa thải vào cuối mùa giải 2017/18

Suy sụp vì giấc mơ không thành

Những năm gần đây, học viện của Manchester United luôn cho ra mắt những cầu thủ chất lượng và đang chinh chiến cho chính đội chủ sân Old Trafford hay các đội bóng lớn khác tại Anh. Trong số này có thể kể đến những Marcus Rashford, Dean Henderson hay Scott McTominay – những cầu thủ đã và đang khẳng định tên tuổi của bản thân tại giải đấu lớn nhất xứ sở sương mù. Dù vậy, không phải mọi cầu thủ đồng trang lứa với những cái tên này đều được Manchester United ký hợp đồng chuyên nghiệp và Charlie Scott chính là một trong số đó.

Sau 2 năm kể từ khi bị Manchester United (khi đó đang được Jose Mourinho dẫn dắt) sa thải, chàng hậu vệ đa năng sinh năm 1997 đã rất đau đớn và suy sụp khi không được đội chủ sân Old Trafford giữ ở tuổi đôi mươi. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Athletic, Charlie Scott đã chia sẻ đầy cảm xúc về những khó khăn về nhiều mặt khi phải đối diện với một thực tế rằng “giấc mơ Manchester United” đã tan vỡ.

Đó chắc chắn là một tin không hề dễ chịu để đón nhận đối với một cầu thủ trẻ của một đội bóng lớn như Manchester United. Còn đau lòng hơn khi đó là đội bóng mà Charlie Scott đã gắn bó trong suốt 14 năm kể từ khi anh mới 6 tuổi. “Tôi đã gắn bó với đội bóng trong suốt 3/4 cuộc đời mình nhưng mọi thứ đã chấm dứt. Đó là lúc tôi rơi vào trạng thái suy sụp. Từ đỉnh cao khi được gia nhập Manchester United, và giờ đây, sự nghiệp của tôi đã chạm đáy. Thành thật mà nói, đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy rất đau khổ”, Scott bộc bạch.

Kể từ khi phải rời Manchester United, chàng hậu vệ sinh năm 1997 tiếp tục thử việc tại Sheffield United vào tháng 1/2018 trước khi bị đội bóng này sa thải vào mùa hè năm đó. Không tìm được hợp đồng thi đấu tại các giải chuyên nghiệp, Scott đành phiêu bạt qua Altrincham – một đội bóng bán chuyên và thi đấu ở giải hạng 6 nước Anh. Dù vậy, tại đội bóng nhỏ bé này, Scott cũng không được thi đấu thường xuyên và anh cũng tiếp tục “dứt áo ra đi”. Hiện tại, cựu cầu thủ trẻ của Manchester United đang chơi bóng theo bản hợp đồng bán thời gian cho Newcastle Town – đội bóng đang thi đấu ở giải hạng 8 nước Anh. 

Trong thời điểm suy sụp nhất ở tuổi 22, sự nghiệp chạm đáy, tài chính không ổn định, Scott chỉ còn biết lao vào những thú vui vô bổ để quên đi nỗi sầu: “Tôi đã đốt rất nhiều tiền, tôi hút thuốc, nhậu nhẹt và bài bạc, đi casino, đủ thứ hết”.

Hiện tại, bóng đá không còn là “miếng cơm manh áo” của Charlie Scott. Mỗi ngày, từ sáng sớm lúc 5h30, Scott phải di chuyển hơn 80km đến công trường ở Birmingham để bắt đầu công việc của một công nhân xây dựng. Cuộc vui với bóng đá chuyên nghiệp của Charlie Scott xem như đã kết thúc trước khi nó được bắt đầu.

Quyết không bỏ cuộc

Từ Manchester United danh tiếng lẫy lừng tại Ngoại hạng Anh cho đến Newcastle Town “vô danh tiểu tốt” ở giải hạng 8, với một sự thụt lùi như vậy, thật khó để bản thân không liên tưởng đến những suy nghĩ tiêu cực. “Biến cố đó (chia tay Manchester United) đã có tác động rất lớn đến tôi. Bản thân tôi luôn liên tưởng đến những điều mà mọi người sẽ nghĩ về mình. Tôi có cảm giác như mọi người sẽ coi tôi là một thất bại, người được tập luyện tại Manchester United trong 14 năm và giờ lại thi đấu bóng đá ở cấp độ địa phương.”

“Dù vậy, sâu trong tâm của mình, tôi biết là mọi người không hề nghĩ như vậy. Đó chỉ đơn giản là những liên tưởng trong đầu và tôi không thể nào gỡ nó ra được. Bạn bè và người thân trong gia đình luôn động viên với tôi rằng đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện đó. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra như thế đấy”, hậu vệ sinh năm 1997 ngậm ngùi.

Charlie Scott và Marcus Rashford khi còn thi đấu cho đội trẻ của Manchester United
Trong những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời, Charlie Scott vẫn có những nguồn động viên tinh thần giúp anh cảm thấy lạc quan và phần nào vơi đi nỗi buồn năm nào. Và một trong số đó chính là Marcus Rashford – cầu thủ đồng trang lứa với Charlie Scott và hiện đang là một chân sút quan trọng của Quỷ đỏ, cả hai là đồng đội cũ của nhau trong các đội trẻ của Manchester United. 

“Marcus và tôi đã cùng nhau trải qua hành trình phát triển bản thân tại Manchester United. Đến giờ, chúng tôi vẫn là những người bạn tốt của nhau. Marcus luôn liên lạc, hỏi thăm và đồng cảm về tình hình của tôi”, Scott chia sẻ về người đồng đội cũ.

“Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Marcus. Cứ khoảng 1 lần trong 1 tuần, tôi lại đi thăm cậu ấy. Marcus vẫn không thay đổi gì cả, từ khi cậu ấy 15 tuổi cho đến khi trở thành một siêu sao như hiện nay.”

Dù bản thân thừa nhận tình cảm với bóng đá đã không còn như trước kể từ biến cố 2 năm về trước nhưng Charlie Scott cho biết anh vẫn quyết tâm được đá bóng trở lại và mong về một ngày chứng minh được rằng Manchester United đã sai lầm khi quyết định sa thải anh. 

“Tôi có nói chuyện với Devonte (Reᗪmond), người đang chơi bóng tại Wrexham (giải hạng 5 nước Anh) nhưng bản thân cậu ấy có thể chơi ở hạng đấu cao hơn thế. Bản thân tôi cũng muốn chứng minh Manchester United đã có một quyết định sai lầm.”

“Sau khi trải qua những thăng trầm như thế này, nhiều người sẽ từ bỏ nhưng tôi thì không, tôi sẽ không bỏ cuộc”, Charlie Scott thể hiện sự quyết tâm khẳng định lại bản thân. 

Chặng đường quay trở lại với bóng đá chuyên nghiệp của cựu cầu thủ trẻ của Manchester United chắc chắn là sẽ vô cùng khó khăn và gian nan khi giờ đây anh đang phải kết hợp công việc của một công nhân xây dựng và một bản hợp đồng bán thời gian với đội bóng hạng 8 nước Anh tại Newcastle, nơi cách Manchester United đến hơn 230km.

Nhưng chỉ cần cố gắng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ở tuổi 16, Jamie Vardy bị đuổi khỏi học viện bóng đá chuyên nghiệp. Không từ bỏ ước mơ, anh vừa làm công nhân 12h/ngày vừa thi đấu nghiệp dư. 13 năm sau, anh vô địch Ngoại hạng Anh trước khi giành danh hiệu Vua phá lưới ở tuổi 33